Trang chủ > Sưu tầm > Trời mưa nói chuyện ma

Trời mưa nói chuyện ma

haiduabe Cứ mỗi lần mưa bão ập về, tôi lại nhớ đến rất nhiều thứ, rất nhiều chuyện muốn nói về những ký ức đã trôi xa, cũng như những hiện tại mà tôi đang có. Mưa mang đến niềm vui cho nông dân, cho cây lá tốt tươi, nhưng mưa cũng mang đến biết bao thảm cảnh cho không ít người, nhất là những ngày qua, vừa mưa, vừa gió, vừa bão quay quắt đổ xuống mọi miền khiến ai nấy đều khốn đốn.

Đối với phố phường thành thị thì mưa gió cũng không ảnh hưởng gì cho nhịp sống vui chơi lắm, chẳng qua chỉ là “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” mà thôi, ngập nước nên đi lại hơi khó khăn tí xíu, nhưng người ta vẫn đi, vẫn chơi, vẫn yêu, có thể là yêu nhau trong mưa càng thi vị hơn chút nữa đấy, nhưng đối với những vùng vùng ven đô hay vùng quê thì lại khác. Ở một thị trấn nhỏ như chỗ tôi đây thì mưa gió tạo nên một sự im lặng khác thường, tám giờ tối đường sá vắng tanh, mấy chiếc xe bán bánh mì ủ rũ che mưa chắn gió một lúc rồi lặng lẽ cuốn gói đi về, mấy gánh cháo vịt đầu đường cũng dồn vào hiên nhà ai đó núp, than vắn thở dài rồi cũng lặng lẽ ra về, trong nước mưa có lẫn nước mắt, ngày mai họ phải mang thêm một món nợ nữa vì hôm nay bán ế. Anh xe ôm cố chờ thêm một lúc để xem có ai muốn đi đâu đó trong mưa không, rồi vì nhìn quanh quẩn phố xá vắng tanh, trời lại lạnh, nên anh cũng ra về trong tiếng thở dài, giá xăng thì cao, khách thì hiếm, hôm nay chắc tiền kiếm được mấy cuốc xe ban ngày chỉ đủ tiền xăng. Chị vợ định dành dụm ít tiền may chiếc áo mới cho con vì gần đến ngày khai trường cũng phải tạm giấu ước mơ này trong khóe mắt rưng rưng ngấn lệ.

Đó là chuyện ngày nay, nhìn mưa quật từng cơn như điên dại trong đêm, tôi lại nhớ đến chuyện ngày xưa. Đây mới chính là chủ đề cho cái entry này. Ngày xưa, lúc tôi còn trai trẻ ấy mà, thời cuộc đổi thay, học hành thì dang dở, đã nghèo lại thêm nghèo, như người ta thường bảo: “Trốn cực mà chạy lên non, cong lưng mà chạy cực còn chạy theo” là thế. Mà quả là tôi lên non thật, lên cái vùng khỉ ho cò gáy này nói ra chẳng ai biết là nơi đâu, chỉ biết nó là một vùng đất đỏ cao su của Pháp để lại, muốn biết đến nơi này, e rằng ai đó phải có đôi lần hát bài “Kỷ vật cho em” của Nhạc sĩ Phạm Duy thì mới hy vọng tỏ tường nơi tôi đang ở, bài hát ấy trong đó có câu: “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về… Anh trở về, có thể bằng chiến thắng Pleyme, hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã? Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngã, anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa? Anh trở về trên chiếc băng ca…” Ô, hình như tôi lan man về cái bài hát này hơi nhiều, nhưng sự thực thì ý tôi muốn nói đến cái địa danh ấy: “Bình Giã”, nơi khi xưa chiến tranh xảy ra vô cùng ác liệt, và nơi tôi ở chính là giáp nách cái địa danh ấy đấy. Rừng cao su âm u bạt ngàn mút chân trời, nơi mà khi xưa dân gian thường bảo: “Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng” là thế đó. Vì cái vẻ âm u hiu quạnh ấy, trong một buổi chiều tối mưa lâm thâm thì đó chính là nơi rất lý tưởng cho người ta nghĩ tới chuyện ma trêu quỷ hờn… cũng không nói ngoa đâu nhé.

Đời công nhân cao su thời ấy cực hơn “con chó”! Tôi không hề nói gian chút nào đâu! Công việc thì làm ngoài trời, nhưng trời mưa thì chẳng được nghỉ đâu nhé! Cứ tìm chỗ núp ngồi đấy mà chờ, vì mưa không cạo cây lấy mủ được, nước mưa sẽ làm trôi mủ đi mất, thế là đành rúc vào đâu đấy chờ, chờ hơi tạnh tí xíu là ra cạo ngay, tranh thủ từng giờ từng phút, nếu mưa bất chợt đổ xuống lại thì phải hối hả trút những gì vừa cạo được gom về, tránh để nước vào mà mủ cao su sẽ đông lại mất giá, nếu lỡ cái cảnh “mưa rồi chợt nắng” như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn miêu tả trong bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” thì chúng tôi chỉ có nước giẫy giụa mà chết đi cho khuất mắt, nói cực hơn con chó là vậy, con chó trời mưa còn biết chỗ mà tránh, mà vẫy lông cho khô, còn chúng tôi hồi ấy thì chỉ biết tranh thủ, tranh thủ và tranh thủ… vì chén cơm manh áo và vì giai cấp công nhân chúng tôi vinh quang như thế ấy mà, phải làm, phải tận dụng cho đến giọt mủ cuối cùng, do đó mà lắm khi vào những ngày mưa, chúng tôi quần quật từ 4 giờ sáng cho đến khi tối mịt mới xong việc về nhà, tắm rửa, đốt lửa lên hong cho khô áo quần và ngày mai lại tiếp tục như thế.

Hồi đó chúng tôi đi làm sớm lắm! 4 giờ sáng đã lục tục kéo nhau ra trạm cho xe chở ra lô cao su rồi, những người bạn trong tổ chúng tôi, thi thoảng gặp trong lô cao su cỏ ngập mặt có một cái xác người chết là chuyện thường, thời ấy luật pháp còn mang tính gia đình và rừng rú lắm, lúc thì gặp xác một đứa trẻ con ai đấy lỡ dại đẻ ra rồi vứt vào trong lô cao su chết cóng tự đời nào, lúc thì một phụ nữ chết đã lâu bốc mùi nghe ghê lắm, đến xem thì thấy hai hốc mắt đầy những kiến, áo quần thì rách tả tơi, có vẻ như bị ai đấy hãm hiếp vậy, trông thật ớn lạnh, nổi cả da gà, có lúc nghe tiếng khóc của một đứa bé thì chạy đến thấy nó bị kiến cắn gần hết người, cố sức cứu nó ra khỏi cái tổ kiến đưa về trạm xá thì nó cũng đã lìa đời. Hừm, cái thứ bà mẹ nào mà ác tâm như thế, tôi cũng chẳng hiểu nổi, lắm khi túng quá hóa liều, không còn nhân tính nữa.

Bởi vậy mà đám thanh niên chúng tôi, tuy gan góc là vậy, nhưng một mình cạo mủ trong lô, trung bình mỗi người hơn 2 hecta, thấy vắng lặng nên hay tưởng tượng ra nhiều thứ, cũng biết sợ chứ! nhất là những lúc trời mưa lâm thâm, giá mưa lớn một chút đi để tìm chỗ trú nghỉ chút đỉnh cho yên, đằng này mưa rả rích tí tách, mây kéo về u ám, hễ tôi bước đến cây nào chuẩn bị cạo thì cũng phải vạch cỏ ra nhìn quanh coi có cái… xác ai đó không, mũi hửi hửi xem có mùi gì khác thường không, do vậy dù không sợ ma cũng phải phải rùng mình đôi chút là vậy. Tôi còn có biết một anh bạn sợ đến nỗi phải… đi tìm cái quần khác mà thay nữa kìa! Mà đừng nói chi là không sợ, gan cách mấy cũng thỉnh thoảng hét lên ai ơi, ai đó, A ơi B ơi để biết bạn mình cũng đang cạo mủ gần quanh đó cho có tiếng người.

Chuyện ma trêu quỷ réo ở lô cao su thì không thiếu, nhưng tôi có lần nghe lại câu chuyện mà tôi sắp kể đây như một biến cố trong đời, khiến sau này tôi không còn sợ ma nữa, dù cho là ma le, ma sói, ma cà rồng, ma trơi, ma chó gì nữa tôi cũng không sợ nữa, đang đêm ai thuê tôi ra nghĩa trang tôi đi liền cho mà coi, chẳng phải là tôi gan góc đâu, tôi cũng nhát thấy mồ ấy chứ, nhưng câu chuyện có thật dưới đây làm tôi hết sức xúc cảm nên không còn biết sợ ma là vậy.

Hôm ấy vào một buổi chiều, cũng vào khoảng độ tháng tám này, cứ chiều là lại mưa lâm thâm, mới năm giờ chiều mà trời đã tối, chú Sáu là người mà tôi quen hôm ấy đánh xe bò chở bắp từ trong rẫy đi về nhà, băng qua lô cao su đen kịt, còn khoảng 3 cây số thì mới ra đến đường cái, khi băng qua một lô cao su nọ, lẫn trong tiếng gió hú ban đêm, chú nghe tiếng con nít kêu lên: “Ông ơi, cho cháu đi với!” Chú nhìn quanh, giữa bóng tối mập mờ có thấy ai đâu? Cái cảm giác sợ ma lại lan về, vùng này ai cũng nói có ma nhiều lắm mà chú chưa tin, chú lại nhìn quanh, chẳng thấy gì, nhưng lại nghe tiếng con nít kêu lên lần nữa: “Ông ơi, má cháu bỏ hai anh em cháu đây rồi đi đâu mất, cháu bị lạc rồi, cho cháu đi với…”. Định thần lại, chú nhìn kỹ thì thấy phía gốc cây cao su trước mặt có hai cái bóng người nho nhỏ cũng với những tiếng rên khe khẽ “Ông ơi… ông ơi…” làm chú run bắn cả người. Mưa lại rơi nặng hạt làm chú hốt hoảng, trong tiếng gió gào, tiếng trẻ nhỏ kêu làm chú không còn phân biệt thật giả nữa, thấy bóng thằng bé lao ra, chú hốt hoảng tưởng ma chồm tới nên vụt mạnh roi quất đôi bò lách sang một bên rồi chạy thẳng, người run cầm cập, miệng ú ớ, vì lẫn trong tiếng gió vẫn còn nghe đâu đó tiếng ai hờn ai trách. Chú chạy thẳng một mạch về nhà rồi dốc một ngụm rượu để lấy lại tinh thần. Bạn bè tới chơi nghe nói thì ai nấy đều cho là ma, vì thỉnh thoảng họ cũng hay gặp ma con nít khi đi qua quãng đường trong lô cao su ấy.

Biết là như vậy nhưng đêm ấy, chú Sáu vẫn áy náy, cứ muốn quay lại lô cao su lần nữa để rõ thực hư thế nào nhưng mưa càng lúc càng lớn khiến chú dù muốn cũng không thể đi được. Qua một đêm không ngủ, sáng ra, chú quất đôi bò đi sớm hơn bình thường, tìm đến nơi “con ma” hôm qua xem thế nào, lòng chú cứ cầu xin đó là ma thật cho chú đỡ áy náy. Đến nơi, chú thấy vắng lặng, lòng cũng khấp khởi mừng vì hôm qua mình tin là đúng, chú dừng xe và đi vào trong lô tìm kiếm một lúc, vẫn không thấy gì, nhưng khi quay trở ra, chú như muốn đứng tim! Trước mặt chú là hai đứa bé trai, một đứa độ 8 tuổi, một đứa độ 5 tuổi, chúng nằm ôm nhau chết cóng tự bao giờ dưới gốc cây cao su. Chú không còn biết sợ nữa, nước mắt chú trào ra như chưa bao giờ được khóc, vì chú thấy thằng anh ở trần, cởi áo ra để trùm cho em khỏi lạnh, và cả hai đều chết một cách bi thương trong một đêm mưa gió bão bùng, cái đêm mà vì sợ ma mà chú tưởng chừng như mình đã giết chết hai mạng người, hai sinh linh bé nhỏ trước khi chết mà thằng anh vẫn còn biết truyền hơi ấm cho em mình, cởi áo đắp cho em, ôm chặt lấy em mà chết. Chú đập đầu vào gốc cây mà ăn năn, mà hối hận nhưng sự thật bày ra tang thương trước mắt là thế rồi, đâu có thể nào kéo quá khứ lại được nữa! Chú căm hận mình, căm hận người mẹ nào mang con bỏ chợ như thế này khác nào giết con? Thế rồi chú đành gạt nước mắt đem hai cái xác về làm ma chay và từ đó trở đi, chú không bao giờ biết đến sợ ma là gì nữa!

Chính tôi nghe lại chuyện này cũng không còn biết sợ ma nữa chứ huống gì là chú? Thiết nghĩ người mẹ nào mà nhẫn tâm như thế nhỉ? Có lẽ bà ta đông con rồi vứt bớt đi chăng? Hay chồng chết rồi vứt con bỏ đi theo chồng khác cho sạch nợ, tưởng rằng ai đó bắt gặp rồi mang về nuôi giùm mình? nhưng mưa gió đã làm cho con người ta có cái giác sợ hãi những thứ không đáng có, khiến ta cũng trở nên khiếp nhược và quyết định vụng về, nhưng dù cho lý do nào đi nữa thì đây cũng là một bài học chua chát cho con người. Kể lại đây tôi vẫn còn rùng mình chứ đừng nói gì chú Sáu khi xưa. Trời mưa nhắc lại chuyện xưa như những kỷ niệm bi thương là vậy. Thế đấy, bây giờ thấy lắm khi các bạn trẻ phung phí thời gian cho game, cho ăn mặc xa hoa, cho mốt này mốt nọ, thấy tiếc làm sao ấy, giá như các bạn ấy chỉ cảm nhận một chút gì bi thương khổ lụy ngày xưa như chúng tôi, thì chắc là cuộc sống sẽ đẹp hơn nhiều, vì quanh ta sẽ không thiếu lòng nhân ái đâu.

Bây giờ trời vẫn mưa, và có lẽ khó mà dứt được. Nhớ lại chuyện xưa rồi nhìn lại mình bây giờ, cảm thấy mình hạnh phúc biết bao, sung sướng biết bao, dù cho công việc nó ngập đầu ngập cổ nhưng so với thời gian khổ khi xưa thì bây giờ mình quả thật như được sống trên thiên đàng là vậy. Qua bao nhiêu khổ ải thế mà nghĩ lại mình cũng may mắn hơn nhiều người. Mình vẫn có công việc để làm, vẫn có nhiều điều để suy tư trăn trở, vẫn có người để mà nhớ mà thương, vẫn có net để vọc cái này cái nọ và vẫn có… mì gói để dằn bụng, dù cho mưa thế nào cũng không sợ đói. Thế cũng đã là sung sướng rồi… Phải không nhỉ? Trời mưa tản mạn một chút vậy mà.

Chuyên mục:Sưu tầm
  1. Truong Thanh Thao
    Tháng Hai 17, 2010 lúc 2:05 chiều

    Thật là cảm dộng khi đọc xong câu chuyện này . Chắc chắn là tôi sẽ không còn sợ ma nữa .Kẻo lương tâm ray rức suốt đời

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này